Đội tuyển Việt Nam đã phải dừng hành trình bảo vệ ngôi vương AFF Cup ở vòng bán kết. Đây bị xem là thất bại với rất nhiều nguyên nhân ở cả mặt chủ quan và khách quan.
Hàng công kém hiệu quả
Yếu tố đầu tiên phải nhắc tới khi nói về thất bại của đội tuyển Việt Nam là hàng công không tốt như kì vọng. Vấn đề này từng được đặt ra ở vòng bảng khi thầy trò Park Hang-seo rất vất vả mới thắng Lào 2-0. Sau đó, họ bị Indonesia cầm hòa 0-0 ở trận đấu có rất ít cơ hội. Cũng bởi hàng công kém hiệu quả, Việt Nam thất bại trong cuộc đua ngôi đầu với Indonesia và phải gặp Thái Lan ở bán kết.
Hàng công Việt Nam cần 12 cú dứt điểm để ghi 1 bàn thắng ở AFF Cup 2020
Và ở 2 trận bán kết, hàng công của Việt Nam đều bất lực trước Thái Lan dù có tới 28 lần dứt điểm. Trong số này, đa phần là những cú dứt điểm ngoài vòng cấm. Nó thể hiện sự bế tắc của ĐT Việt Nam và sự thiếu ý tưởng trong cách tiếp cận khung thành đối phương.
Tính ra, qua 6 trận đấu, ĐT Việt Nam đã thực hiện 108 cú dứt điểm, chỉ kém Indonesia (115). Nhưng trong đó, chỉ có 23 cú dứt điểm đi trúng đích. Đây là hiệu số rất thấp. Trung bình, để ghi 1 bàn thắng, đoàn quân của HLV Park phải thực hiện 12 cú dứt điểm.
Lỗ hổng đội hình
HLV Park Hang-seo đã mang tới Singapore đội hình bao gồm phần lớn là những cầu thủ đang chinh chiến ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Về cơ bản, đây là lực lượng rất mạnh nhưng không đồng đều và thiếu chiều sâu.
4 mất mát đáng tiếc của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2020
So với AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam thiếu vắng 4 nhân tố rất quan trọng là Văn Lâm, Văn Hậu, Hùng Dũng và Trọng Hoàng. Trong đó, Văn Hậu và Trọng Hoàng là 2 mất mát đáng tiếc nhất. Nó ảnh hưởng rất lớn tới sơ đồ 3-4-3 mà HLV Park Hang-seo đang áp dụng.
Ở sơ đồ này, 2 cầu thủ chạy cánh đóng vai trò rất quan trọng trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Văn Hậu và Trọng Hoàng là 2 miếng ghép phù hợp nhất với vị trí này. Còn ở AFF Cup 2020, Hồng Duy, Văn Thanh và Tấn Tài đều rất nỗ lực nhưng chưa bảo đảm sự cân bằng cho đội hình của HLV Park. Thậm chí, nó còn tạo ra lỗ hổng để đối thủ khai thác.
Tâm lý bất ổn
Vô địch đã khó, bảo vệ chức vô địch còn khó hơn! Không chỉ Việt Nam, rất nhiều đội bóng trong vị thế nhà ĐKVĐ thường xuyên gặp khó khăn trong cuộc chiến bảo vệ ngôi vương vì áp lực tâm lý.
ĐT Việt Nam căng cứng tâm lý ở nhiều thời điểm quan trọng
Không thể nói rằng ĐT Việt Nam chủ quan. Nhưng với vị thế nhà ĐKVĐ, Việt Nam bị các đối thủ nghiên cứu rất kĩ lưỡng. Hầu hết trong các trận đấu, thầy trò HLV Park phải chơi tấn công nhưng đây không phải đấu pháp sở trường. Nó tạo ra sự ức chế và tâm lý bất ổn khi lối chơi không đạt được kết quả như mong muốn.
Vấn đề tâm lý càng lộ rõ với ĐT Việt Nam khi chúng ta phải gặp đối thủ mạnh là Thái Lan ở bán kết. Biểu hiện dễ thấy là sai lầm dẫn tới kết quả bất lợi ngay ở lượt đi. Và khi nóng vội, rất khó để thầy trò Park Hang-seo lật ngược tình thế. Chưa kể, 6 trận toàn thua ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần của các tuyển thủ khi bước vào AFF Cup 2020.
Lối chơi bị bắt bài
3 năm sau khi đăng quang AFF Cup 2018, lối chơi của đội tuyển Việt Nam về cơ bản không thay đổi. HLV Park Hang-seo vẫn “đóng đinh” với sơ đồ 3-4-3 và biến thể 3-5-2. Nó có thể ổn định nhưng mặt khác lại khiến ĐT Việt Nam không còn tạo ra sự bất ngờ với các đối thủ.
Từ vòng bảng tới bán kết, Indonesia và Thái Lan đều đã nghiên cứu rất kĩ Việt Nam và thực hiện những đấu pháp hợp lý, đủ để thầy trò Park Hang-seo không thể phát huy hiệu quả. Những quyết định thay người của HLV Park cũng không còn phát huy được sự hiệu quả như trước.
Thậm chí, nếu so với AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam hiện tại còn kém hiệu quả hơn do thiếu nhiều vị trí quan trọng như Văn Hậu, Trọng Hoàng, Hùng Dũng, Văn Lâm. Chưa kể, một số cầu thủ khác cũng sa sút phong độ.
Thiếu may mắn
Ở bất cứ giải đấu nào, giữa thành công và thất bại đều có ít nhiều yếu tố may mắn. Kịch bản ở trận lượt về bán kết sẽ khác nếu cột dọc và xà ngang không từ chối 2 siêu phẩm của Quang Hải ở lượt đi. Tình thế cũng sẽ khác nếu Việt Nam ghi thêm 1 bàn thắng ở vòng bảng để giành ngôi đầu bảng B.
Ngoài ra, phải kể tới nhiều quyết định tranh cãi của trọng tài ở lượt đi bán kết. Với 1 trọng tài khác, trận đấu có thể thay đổi. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố thứ yếu. Một đội bóng mạnh thực sự có thể vượt qua cả sự “không may” để đi tới vạch đích. Sẽ là khiên cưỡng nếu nói rằng thầy trò Park Hang-seo xứng đáng vào chung kết hơn Thái Lan, đội bóng đã thể hiện lối chơi công thủ toàn diện ở AFF Cup năm nay.